Xoắn xương đùi là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Xoắn xương đùi là hiện tượng xương đùi bị xoắn vào trong hoặc ra ngoài. Đây là tình trạng không nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên nên điều trị sớm để trẻ có hình dạng chân bình thường và thực hiện được các hoạt động sinh hoạt hằng ngày.
Những dấu hiệu và triệu chứng của xoắn xương đùi
Các dấu hiệu xoắn xương đùi thường xuất hiện lần đầu tiên khi trẻ từ 2 đến 4 tuổi, thời điểm mà khả năng xoay vào trong ở chậu hông có xu hướng tăng lên. Tình trạng này trở nên rõ ràng nhất khi trẻ được 5 đến 6 tuổi.
Nếu trẻ có bất kỳ triệu chứng nào sau đây của bệnh xoắn xương đùi, bạn nên gặp ngay bác sĩ:
- Bước đi bằng ngón chân;
- Không thể đi lại với hai chân sát nhau;
- Chân không thẳng;
- Vấp ngã thường xuyên;

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh xoắn xương đùi
Xoắn xương đùi thường không dẫn đến viêm khớp hoặc bất kỳ vấn đề sức khỏe nào khác trong tương lai. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nặng, xoắn xương đùi gây ra những bất tiện trong sinh hoạt, khó khăn trong đi lại, chân vòng kiềng, dễ té ngã.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng của xoắn xương đùi đặc biệt là bất thường về hình dáng chân, đi lại khó khăn, thường xuyên vấp ngã, hãy liên hệ với bác sĩ để được theo dõi và điều trị phù hợp.
Những ai có nguy cơ mắc phải xoắn xương đùi?
Xoắn xương đùi xảy ra ở khoảng 10% trẻ em. Tình trạng này có phần phổ biến ở bé gái hơn bé trai.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải xoắn xương đùi
Xoắn xương đùi vào trong chủ yếu là do tư thế của trẻ trong tử cung của mẹ, không rõ các yếu tố nguy cơ của tình trạng này. Xoắn xương đùi có thể liên quan đến các tình trạng bệnh lý khác nhau, gồm:
- Các bệnh lý thần kinh - cơ (loạn sản tủy, bại liệt, nhược cơ, bại não)
- Bệnh thoái hóa khớp sớm;
- Viêm lồi củ trước xương chày (bệnh Osgood-Schlatter);
- Viêm bóc tách xương sụn;
Nguyên nhân dẫn đến xoắn xương đùi
Nguyên nhân dẫn đến xoắn xương đùi thường do vị trí của em bé trong tử cung của mẹ. Khi trẻ lớn lên và không gian trong tử cung chật hẹp hơn, xương đùi của trẻ có thể bị xoắn vào trong hoặc ra ngoài. Bệnh này cũng có xu hướng di truyền trong gia đình.

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của xoắn xương đùi
Chế độ sinh hoạt
Để hạn chế diễn tiến của xoắn xương đùi, các việc bạn có thể làm bao gồm:
- Theo dõi triệu chứng của trẻ khi đã được chẩn đoán xoắn xương đùi, bao gồm tình trạng trở nên nặng hơn, không cải thiện để có thể đưa trẻ đến gặp bác sĩ kịp thời.
- Đưa trẻ tái khám đúng hẹn để bác sĩ theo dõi diễn tiến bệnh.
- Nếu trẻ được điều trị phẫu thuật, tập vật lý trị liệu sau khi phẫu thuật để trẻ có thể đi lại một cách bình thường.
Chế độ dinh dưỡng
Không có chế độ dinh dưỡng đặc biệt cho trẻ mắc xoắn xương đùi. Nên duy trì một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng đầy đủ sẽ duy trì sức khỏe tốt cho trẻ. Tránh các trường hợp béo phì hoặc suy dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển ở trẻ.
Phòng ngừa xoắn xương đùi
Không có cách để phòng ngừa hiệu quả xoắn xương đùi, vì các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân thường do bẩm sinh hoặc di truyền không thể kiểm soát.
Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm xoắn xương đùi
Bác sĩ sẽ tiến hành khám sức khỏe, khám sức cơ, khám trục chi để chẩn đoán tình trạng xoắn xương đùi. Ngoài ra, bác sĩ sẽ hỏi tiền căn sức khỏe trước khi sinh, khi sinh của mẹ và người thân gia đình bạn.
Bác sĩ có thể sử dụng các xét nghiệm để có được hình ảnh chi tiết về xương đùi và khớp háng của trẻ, các xét nghiệm bao gồm:
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Chụp CT là xét nghiệm hình ảnh chính được sử dụng để xác nhận chẩn đoán xoắn xương đùi.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp MRI để tạo ra hình ảnh chi tiết về các cơ quan và cấu trúc bên trong cơ thể trẻ.
- Chụp X-quang: Chụp X-quang để tạo ra hình ảnh của xương. X-quang thường sẽ cho hình ảnh không chi tiết như chụp CT và MRI.
Điều trị xoắn xương đùi
Nội khoa
Các bác sĩ điều trị hầu hết trẻ em bị xoắn xương đùi bằng cách theo dõi chặt chẽ trong vài năm. Đối với hầu hết trẻ em, tình trạng xoắn xương đùi thường tự khỏi theo thời gian. Hầu hết trẻ em đạt được kiểu đi bình thường hoặc gần như bình thường khi chúng được 8 đến 10 tuổi.
Giày chỉnh hình và các bài tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng giúp ích cho cơ chế tự điều chỉnh của xương đùi.

Ngoại khoa
Trong một số rất ít trường hợp, tình trạng xoắn xương đùi có thể nghiêm trọng và không thể tự điều chỉnh khi trẻ được 8 hoặc 9 tuổi. Đối với trẻ bị xoắn xương đùi nặng, chưa hồi phục ở độ tuổi đó, bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật để định vị lại xương đùi trở về bình thường.
Trong quá trình phẫu thuật (được gọi là phẫu thuật cắt bỏ xương đùi), bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt xương đùi, xoay đầu xương đùi trong hốc chậu hông đến vị trí bình thường và gắn lại xương.
